FPTTELECOM-HUE.COM: Người điều hành nhà Viễn thông khẳng định, với mô hình OKR, FPT Telecom sẽ nhân đôi các chỉ số quan trọng đã tích luỹ suốt chặng đường dài trong 3 năm tới.
Hội nghị lãnh đạo FPT Telecom với hơn 150 đại biểu đến từ Ban điều hành, các đơn vị và chi nhánh vừa khai mạc chiều nay (ngày 8/11) tại VinOasis Phú Quốc, Kiên Giang. Đây là sự kiện thường niên của nhà “Cáo” trong các mùa làm chiến lược.
Mở đầu phiên khai mạc, Chủ tịch FPT Telecom – chị Chu Thanh Hà chia sẻ định hướng chiến lược chung của FPT Telecom với mục tiêu hoàn thành 500.000 thuê bao Internet trong năm 2019. Sau đó, CEO Hoàng Việt Anh trình bày chương trình hành động trong 3 năm 2019-2021 và sơ lược về mô hình OKR (Objectives and Key Results, tạm dịch: Mục tiêu và kết quả then chốt).
Theo CEO Hoàng Việt Anh, Peter Drucker được xem là một trong những sư tổ của quản trị kinh doanh, đã sáng tạo ra mô hình MBO (Management by Object) từ năm 1954. Mô hình MBO phát triển rất mạnh, thậm chí đến ngày hôm nay, còn rất nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi. Năm 1968, Andy Grove, lúc đó là Tổng giám đốc Intel đã sáng lập ra mô hình OKR, như là một mô hình quản trị doanh nghiệp mới được áp dụng cho Intel, giúp cho công ty phát triển thần kỳ.
Năm 1974, John Doerr gia nhập Intel, và ông bắt đầu làm quen, thực hành OKR tại Intel. Ông đã tích lũy kinh nghiệm để 25 năm sau, năm 1999, khi ông nhận lời tham gia vào Google (Google lúc bấy giờ rất là nhỏ, khoảng 15–16 người). John Doerr đã mang OKR tới với Google, giúp nhà tìm kiếm phát triển thần kỳ. “Đến hôm nay, Google đã là một đế chế trong công nghệ thông tin toàn cầu”, anh Việt Anh chia sẻ.
Gần 20 năm sau, Chủ tịch FPT – anh Trương Gia Bình đã ngộ ra OKR và quyết định bắt đầu từ 1/1/2019, FPT sẽ triển khai OKR trên phạm vi toàn tập đoàn. Tuy MBO hay BSC của chúng ta vẫn dùng trong mấy năm vừa qua. 2 mô hình này không hoàn hảo tuyệt đối, mỗi mô hình có điểm mạnh, điểm chưa mạnh. Nhưng quan trọng nhất, mỗi doanh nghiệp áp dụng các mô hình đó tại thời điểm nào để phù hợp với mục tiêu của từng doanh nghiệp.
Đến ngày hôm nay, cả MBO và OKR đều phát triển rất mạnh trên thế giới, có một thực tế là mọi người có thể nhìn thấy, có rất nhiều công ty công nghệ đang sử dụng OKR như một phương pháp luận, để quản trị doanh nghiệp của mình. Chúng ta có thể kể ở đây như là Google, Facebook, Amazon… đều đang dùng OKR.
Cụ thể, OKR là viết tắt của chữ Objectives & Key Results. Đây là một phương pháp luận nhằm xác lập mục tiêu, truyền thông và kết nối các mục tiêu, các kết quả của một doanh nghiệp tới tất cả các nhóm, các thành viên phía dưới một cách nhất quán. Điểm này hơi khác một chút so với BSC hay MBO, bởi vì BSC, MBO, trong trường hợp FPT Telecom, chỉ dừng đến mức chi nhánh, còn từ mức chi nhánh đến các thành viên cụ thể lại là việc của chi nhánh phải tự làm.
Điểm khác biệt của OKR là không chỉ Top Down mà còn Bottom Up, tất cả từng thành viên phải xác định Objects và Key Results của bản thân mình, làm sao đảm bảo những Objects và Key Results đó phải phù hợp Mục tiêu và Kết quả then chốt của toàn FPT Telecom.
Anh Hoàng Việt Anh nhận định OKR nói nghe có vẻ rất dễ, nhưng làm thật sự là một thách thức vô cùng khó khăn. Sau đó, anh trình bày những ý tự mình rút ra một cách vắn tắt.
Theo anh, đối với mỗi cấp bậc, ví dụ như công ty, nhóm, từng thành viên, nên chỉ lấy tối đa 5 Objectives, đẹp nhất là 3 Objectives là vừa phải. Với mỗi một Objective, thì có tối đa 5 Key results, nhưng đẹp nhất cũng chỉ cần 3 Key results. Từ góc độ tổ chức, cho tới nhóm, từng cá nhân một, việc đầu tiên là chúng ta phải xác định ra Objective, mục tiêu nào đủ lý tưởng, đủ hấp dẫn để nhiệt huyết, phấn đấu vì nó.
Anh Việt Anh dẫn chứng chị Chu Thanh Hà nói đến câu chuyện số thuê bao Internet tại thời điểm 2021 là một mục tiêu đủ hấp dẫn cho FPT Telecom phấn đấu. Bởi, FPT Telecom tin rằng đến thời điểm đó, với số lượng thuê bao đó đơn vị có thể cạnh tranh ngôi vị số 1 tại Việt Nam. Từ Objective, việc thứ hai đơn vị sẽ phải làm là xác định các Key Results (kết quả then chốt). Mục tiêu sẽ được đo bằng các Key Results. Bước thứ 3, từ các Key Results này, cần định nghĩa những việc phải làm để đạt được các Key Results đó.
Và định kỳ, đơn vị sẽ phải rà soát liên tục, xem những việc đang làm có đáp ứng đúng kỳ vọng của không và điều gì có thể làm để tốt hơn. Và 4 bước này sẽ lặp lại từ mức công ty đến mức vùng, chi nhánh, đến mức từng thành viên của FPT Telecom.
Đối với FPT Telecom, đơn vị hiện có khoảng 15.000 nhân viên trên mọi lĩnh vực, và mỗi 1 nhân viên chỉ có 1 Objective, 3 Key Results, nhân lên có tổng cộng 45.000 Key Results cần phải quản lý, một khối lượng công việc khủng khiếp cần phải quản lý.
So sánh với Google, “gã khổng lồ tìm kiếm” chuẩn hóa từ những ngày đầu tiên, khi quy mô còn rất nhỏ (khoảng 15 – 20 người). Mỗi người bước vào Google sẽ được đào tạo, thấm nhuần văn hóa. Nên khi quy mô mở rộng đến chục nghìn người vẫn thấm nhuần OKR. Còn đối với FPT Telecom, chuyển từ một mô hình văn hóa cũ, theo kiểu MBO, sang mô hình OKR, sẽ là một thách thức rất lớn. Anh Việt Anh cho hay, hiện nay, Ban điều hành của Tập đoàn cũng như FPT Telecom đang tìm cách để đơn giản hóa, tự động hóa quá trình này.
Nói về những ảnh hưởng của OKR đến FPT Telecom, CEO Hoàng Việt Anh nhắc lại những điều mà chị Chu Thanh Hà vừa chia sẻ – trong 3 năm sắp tới, FPT Telecom sẽ làm khối lượng công việc bằng 21 năm vừa rồi. “Mục tiêu này có đủ hấp dẫn để chúng ta chiến đấu không ạ?”, anh Việt Anh hỏi, cả khán phòng vỗ tay. Những mục tiêu số thuê bao Internet, Truyền hình FPT, số lượng người đăn ký và người dùng OTT, doanh số… được anh nhấn mạnh sẽ hoàn thành trên cơ sở 2 định hướng mà FPT Telecom trung thành, đó là: tăng trải nghiệm người dùng, thực hiện số hóa toàn bộ dịch vụ.
Sau đó, anh cho biết để làm được việc này, FPT Telecom sẽ có 5 chương trình hành động chính trong 3 năm sắp tới. Chương trình thứ nhất là mở rộng vùng phủ và triển khai mạng tốc độ cao. Cụ thể, vùng phủ mở rộng đến xã, huyện, đặc biệt tập trung vào khai thác các khu dân cư, khu dự án xây dựng. FPT Telecom bắt đầu có những thử nghiệm để khai thác triển khai mạng Giganet, được kết nối đến hộ gia đình, lên tới Giga, chứ không phải một vài chục Mega như hiện nay.
Chương trình hành động chiến lược số 2 là tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để đưa ra các sản phẩm dịch vụ có tính năng mới, ví dụ những việc đã và đang làm: IP Camera, bàn thảo xây dựng mạng wifi quảng cáo Việt Nam, đầu tư cho FTI trong lĩnh vực ERP, các tính năng mới như “second screen” của Truyền hình cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Những việc này sẽ được hệ thống hóa thành 1 hành động chiến lược 3 năm tiếp theo. Đó là các bước chúng ta đã và đang làm, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ hệ thống hóa lại thành 1 hành động chiến lược 3 năm tiếp theo.
Chương trình hành động chiến lược số 3 là đẩy mạnh triển khai CEM (quản trị trải nghiệm khách hàng), đây cũng là một chiến lược FPT Telecom đã làm vừa rồi nhưng chắc chắn để giữ được khách hàng ở lại phải chú trọng chương trình này.
Chương trình hành động chiến lược số 4 là tăng cường đầu tư cho Truyền hình và OTT. Việc tập trung đầu tư vào nội dung, sản xuất cũng như sở hữu nội dung độc quyền sẽ là trọng tâm chiến lược số 4.
Và cuối cùng, anh Việt Anh nhấn mạnh để thực hiện thành công các việc nói trên, công việc chuyển đổi số của FPT Telecom sẽ là nền tảng của tất cả các nền tảng.
Kết thúc phần trình bày, anh Hoàng Việt Anh nhấn mạnh, trong giai đoạn 2019 – 2021, FPT Telecom có mục tiêu OKR rất cao. Do đó, trong năm 2019, việc ưu tiên hàng đầu là đạt 500.000 thuê bao Internet trong 12 tháng, bên cạnh những mục tiêu về số lượng người dùng Truyền hình FPT, FPT Play, tăng trưởng FTI cả doanh thu và lợi nhuận.
“Với những mục tiêu rất cụ thể của FPT Telecom trong năm 2019 và hy vọng rằng, những đại biểu của Hội nghị lãnh đạo FPT Telecom sẽ cùng trao đổi, chia sẻ, không chỉ làm tốt hơn những công việc chúng ta đang có, mà còn cả những việc mới, những dịch vụ mới có thể giúp FPT Telecom phát triển vượt bậc và hoàn thành mục tiêu trong năm 2019”, CEO FPT Telecom Hoàng Việt Anh nhắn nhủ.